Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thông Nông

Thứ sáu - 27/03/2020 11:21
Chi bộ Sóc Hà, châu Hà Quảng được thành lập ngày 20/6/1931 tại hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Giang, do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư trở thành lực lượng nòng cốt gánh vác sứ mệnh lịch sử là tổ chức phát triển Đảng xuống cơ sở xã và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng ở Hà Quảng (thời kỳ đó bao gồm cả Thông Nông).
Huyện ủy Thông Nông tổ chức Hội thảo cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 2020.
Huyện ủy Thông Nông tổ chức Hội thảo cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 2020.

Thấy rõ vai trò của mình, Chi bộ Đảng ở Hà Quảng đã chỉ đạo các đảng viên tiếp tục tổ chức tuyên truyền giác ngộ, gây dựng phong trào cách mạng và kết nạp Đảng tại các địa phương. Theo đường dây họ hàng, bạn bè, các  đảng viên đã tuyên truyền sang Pỏ Khuy, Bó Gai, tổng Thông Nông. Năm 1931, đồng chí Hoàng Văn Nhiên đến các xóm Dẻ Rào (xã Đa Thông), Nà Vạ, Nà Pja, Pác Pjảo, Nà Việt, Gạm Dầu (xã Lương Can) tuyên truyền cách mạng, từ đó các tổ chức yêu nước lần lượt được thành lập, hoạt động có tổ chức.

Năm 1933, đồng chí Bằng Giang vào Thông Nông tuyên truyền, tổ chức các hội yêu nước trong thanh niên, phụ nữ, nông dân... Đầu tiên tổ chức ở Bản Chang (nay thuộc xã Đa Thông), đến nhà ông Nông Văn Tô, sau đó được ông Triệu Văn Ma đưa lên Phja Toọc gặp đồng chí Tê Ca và Trần Sơn Hồng, tại đây hai đồng chí được học tập cách thức tổ chức, tuyên truyền nhân dân vào hội.

Biết phong trào cách mạng phát triển khá mạnh ở Thông Nông, bọn mật thám mật báo cho thực dân Pháp, chúng lùng bắt một số người dân ủng hộ, giúp đỡ cách mạng và một số cán bộ đang hoạt động tại Thông Nông. Năm 1933, bọn mật thám đã bắn chết 2 ông Nông Văn Địch, Lục Văn Phía, xóm Lũng Rì. Sự giết người vô cớ của bọn mật thám làm cho nhân dân vô cùng căm phẫn, càng nung nấu ý chí cách mạng.

Các cuộc đấu tranh của quần chúng chống bắt phu, chống thuế vẫn tiếp tục nổ ra và phát triển mạnh, nhất là sau khi đồng chí Lê Hồng Phong đến Cao Bằng năm 1933, chỉ rõ cho Đảng bộ Cao Bằng những bước đi mới của cách mạng Việt Nam và những kinh nghiệm tổ chức quần chúng tham gia hoạt động cách mạng. Sau đó, mặc dù bị khủng bố gắt gao nhưng phong trào đấu tranh kháng phu, chống thuế ở Thông Nông nói riêng, Cao Bằng nói chung vẫn diễn ra liên tục, bền bỉ.

Tháng 3/1934, thực dân Pháp bắt nhân dân Thông Nông đi phu làm đường ở Nặm Vạng (nay thuộc xã Ngũ Lão, huyện Hòa An), công việc rất cực khổ, ăn uống thiếu thốn, dân phu tiếp tục đấu tranh đòi phải trả tiền cho những người đi phu, làm cho phong trào đấu tranh kháng phu, chống bắt phu vào ngày mùa nổi lên mạnh mẽ ở các châu trong tỉnh.

Đến giữa năm 1934, bất chấp mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, các tổ chức yêu nước đã phát triển mạnh ở tổng Thông Nông. Phja Toọc (nay thuộc thị trấn Thông Nông) là địa điểm bí mật của cán bộ cách mạng.

Để động viên, khích lệ phong trào đấu tranh, tháng 9/1934, một số đảng viên từ Hà Quảng sang rải truyền đơn tại Bó Gai, Thông Nông để kêu gọi quần chúng nhân dân đấu tranh theo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Kẻ thù vô cùng tức tối, ra sức lùng bắt cán bộ cách mạng. Nhưng hành động của chúng không thể nào ngăn nổi ảnh hưởng của cách mạng, cán bộ, đảng viên tiếp tục tuyên truyền, động viên nhân dân các dân tộc không lùi bước trước mọi thủ đoạn của địch, chúng càng khủng bố, ta càng phải đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tháng 5/1935, đảng viên châu Hà Quảng tổ chức hội nghị ở hang Phja Nọi (Cốc Sâu), xã Sóc Giang để bàn các biện pháp cần thiết về củng cố các cơ sở đã có, phát triển tổ chức ở một số cơ sở mới tại Hà Quảng và địa bàn Thông Nông. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Châu ủy Hà Quảng đầu tiên gồm 5 đồng chí: Hoàng Tô, Phúc Kiến, Đào Đức, Lê Quảng Ba, Quý Quân. Đồng chí Hoàng Tô được bầu làm Bí thư Châu ủy.

Sự ra đời của Ban Chấp hành Châu ủy đánh dấu một bước trưởng thành của tổ chức Đảng ở Hà Quảng. Sự thành lập và hoạt động của Châu ủy, các cuộc đấu tranh nhân dân các dân tộc càng chứng tỏ Đảng bộ có đủ khả năng lãnh đạo cách mạng. Sau hội nghị Phja Nọi, các đảng viên bắt tay ngay vào việc lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đầu năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ nước ngoài trở về gặp đồng chí Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao), Bí thư Tỉnh ủy triệu tập một cuộc họp tại đền Vua Lê (thuộc xã Hoàng Tung, Hòa An) có đại biểu các châu đến dự. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã phổ biến Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng và những chủ trương đấu tranh trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng, các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ được tổ chức thường xuyên ở Gạm Dầu (thuộc xã Lương Can). Đồng bào các dân tộc đã nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng, đồng thời hăng hái đấu tranh, tạo ra tiền đề vững chắc để phong trào cách mạng Thông Nông có điều kiện phát triển.

Đây là cơ sở để tổ chức Đảng ra đời nhằm đáp ứng việc lãnh đạo và xây dựng phong trào ở một vùng căn cứ quan trọng. Từ yêu cầu đòi hỏi đó, tháng 10/1936, Chi bộ đầu tiên của Thông Nông được thành lập tại Nà Lèng, xã Đa Thông gồm 3 đồng chí: Nông Văn Bá (Tư Bào), Đào Phúc Kiến, Nông Tôn Vĩnh do đồng chí Nông Văn Bá  làm Bí thư.

Từ khi thành lập, Chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo thành cầu nối giữa Hà Quảng với Thông Nông và với tỉnh. Từ đó, phong trào cách mạng ở Thông Nông ngày càng phát triển. Với những yếu tố thuận lợi về chính trị và vị trí địa lý, Tỉnh ủy quyết định xây dựng Thông Nông trở thành một trong những căn cứ quan trọng của phong trào cách mạng toàn tỉnh. Châu ủy đã cử những cán bộ ưu tú về Thông Nông để xây dựng địa bàn, đáp ứng nhu cầu của tỉnh.

Chỉ trong một thời gian ngắn được sự chỉ đạo của tỉnh và Châu ủy, phong trào cách mạng ở Thông Nông phát triển mạnh hơn. Từ Lương Can, Đa Thông, Háng Tháng đến Pỏ Khuy, Bó Gai, đông đảo quần chúng đã tham gia các tổ chức cách mạng. Đây là cơ sở để cơ quan tỉnh hoạt động ở Thông Nông; Phja Toọc, xã Đa Thông được Tỉnh ủy chọn làm nơi in báo Lao động, Chuông giải phóng phục vụ tuyên truyền cách mạng.

Đó là những điều kiện sau này huyện Thông Nông được xây dựng thành hậu cứ vững chắc để Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh và các cơ quan của tỉnh chọn làm căn cứ đến sơ tán trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay6
  • Tháng hiện tại1,893
  • Tổng lượt truy cập446,931
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây