Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thạch An

Thứ sáu - 27/03/2020 00:27
Những hoạt động yêu nước của đồng chí Hoàng Đình Giong đã bị thực dân Pháp theo dõi, đến năm 1926, sau khi Hoàng Đình Giong tham gia vào các cuộc đấu tranh của thanh niên trí thức ở Hà Nội, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học. Từ đó, Hoàng Đình Giong bắt đầu cuộc đời hoạt động bí mật, đem ánh sáng cách mạng đến với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, dẫn dắt phong trào cách mạng Cao Bằng từng bước phát triển.
Một góc xã Vân Trình (Thạch An).
Một góc xã Vân Trình (Thạch An).

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng nhằm đánh đổ kẻ thù là thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung (Hòa An) do đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như, Văn Tân, Tú Hưu, Thiết, Hoàng Vĩnh Tuy) làm Bí thư.

Thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là mỗi đảng viên sau khi được kết nạp vào Đảng phải tiếp tục tuyên truyền thêm quần chúng tích cực để giới thiệu với Đảng, nhằm mở rộng cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng. Để che mắt địch, nhiều đảng viên đã biết lợi dụng những ngày hội hợp pháp kết bạn đồng canh, “bạn tồng” hoặc những ngày lễ, Tết qua lại thăm nhau để tuyên truyền cách mạng.

Châu Thạch An hằng năm tổ chức hội Nàng Hai, hội lồng tồng rất đông vui, lễ hội Nàng Hai năm 1930 được đánh dấu như một sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là sự gặp gỡ của những thanh niên yêu nước tiêu biểu giữa Đinh Ngọc Đạt ở Nà Phía (Thị xã) và Nông Văn Đạt, xóm Phạc Sliến, xã Vân Trình (Thạch An). Hai người kết bạn đồng canh và tuyên truyền cách mạng xuống Thạch An. Từ chỗ kết bạn đồng canh, Đinh Ngọc Đạt biết thêm nhiều thanh niên xóm Phạc Sliến thông qua lễ hội hằng năm để tuyên truyền cách mạng.

Năm 1931, Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch đến học ở trường tại châu lỵ Thạch An, gặp thêm bạn bè ở Hạ Pha và nhiều thanh niên khác đến học kết thêm bạn đồng canh. Trong thời gian theo học tại trường, Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch và nhiều thanh niên khác đã tiếp xúc với báo chí phát hành công khai, nhiều bài báo đề cập đến sự khổ cực của người dân nô lệ, khơi gợi lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược và vua quan bán nước đưa đến sự bần cùng, đói khổ của nhân dân lao động.

Thông qua hoạt động tuyên truyền cách mạng của đồng chí Đinh Ngọc Đạt, các đồng chí Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch, Nông Văn Đạt… đã tiếp thu ánh sáng cách mạng, tự nguyện tìm đến các cơ sở cách mạng của huyện Hòa An để hiểu rõ thêm chủ trương, đường lối của Đảng, mong sớm được tham gia tổ chức cách mạng. Đây là một bước chuyển biến về nhận thức cách mạng của những thanh niên yêu nước đầu tiêu của châu Thạch An.

Việc mua và theo dõi báo chí công khai xuất bản của đồng chí  Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch bị tri châu Thạch An lúc đó là Lê Đình Đôn ngầm theo dõi và gọi cả hai người lên nha tri châu để dọa nạt. Căm phẫn trước hành động, việc làm của tri châu Lê Đình Đôn, Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch bỏ học đi theo cách mạng.

Để mở rộng cơ sở cách mạng và che mắt địch, Nguyễn Văn Mô, Nguyễn Văn Lịch tìm con đường dạy học tư, dùng báo chí công khai để tuyên truyền cách mạng. Cuối năm 1932, Nguyễn Văn Lịch đến làng Dộc Ốc, xã Bằng Giản, tổng Ngọc Pha mở trường dạy tư, sau đó vào xã Thị Ngân nhưng do gặp nhiều khó khăn nên không thành, phải quay về tổ chức lớp học ở xã nhà. Tiền công thu bằng thóc nên học sinh trong làng đến học rất đông. Năm học 1932 - 1933, thầy giáo Nguyễn Văn Lịch thu được 27 gánh thóc. Ngoài dạy học, thầy còn tận tình giúp nhân dân tính thuế khóa, giúp làng xóm viết đơn kiện không lấy tiền công nên được nhân dân quý mến, các chức dịch, tổng lý theo dõi, hai lần đến kiểm tra dò xét.

Cùng thời gian này, Nguyễn Văn Mô bắt được liên lạc với đảng viên Chi bộ Đảng xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố). Qua kiểm tra, thử thách, đồng chí  được đồng chí Đặng Tùng giới thiệu. Tại một địa điểm bí mật ở Hòa An, Nguyễn Văn Mô được kết nạp vào Đảng, bí danh Khoát Hổ.

Sau khi được kết nạp vào Đảng, Khoát Hổ trở về cơ sở ở Phạc Sliến, Nà Phạc. Ngày 3/2/1933, đồng chí Khoát Hổ xin ý kiến cấp trên, triệu tập cuộc họp tại hang đá Nà Mẹc, xóm Phạc Sliến, xã Vân Trình gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch, Bế Ngọc Cung, Nông Văn Đạt. Tại cuộc họp, đồng chí Khoát Hổ được ủy nhiệm của cấp trên kết nạp các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch (bí danh Vạn Xuân, Việt An); Bế Ngọc Cung (bí danh Trung Kiên, Tiến Bộ); Nông Văn Đạt (bí danh Khoát Đặng) vào Đảng.

Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời tháng 2/1933, với nhiệm vụ như Huyện ủy lâm thời đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng châu Thạch An.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay62
  • Tháng hiện tại1,470
  • Tổng lượt truy cập446,508
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây