Sức vươn của Đảng bộ tỉnh, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc

Thứ năm - 23/04/2020 10:51
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh thành lập ngày 1/4/1930 thực hiện nhiệm vụ như một “Tỉnh ủy lâm thời” lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Chi bộ phát triển thành Đảng bộ tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng, làm cầu nối tổ chức Đảng trong nước với nước ngoài; đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Bác Hồ về Pác Bó ngày 28/1/1941. Tranh: Trịnh Phòng

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN ĐẢNG VÀ CÁC PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

Thực hiện nhiệm vụ đề ra, các đồng chí trong Chi bộ đẩy mạnh phát triển Đảng; tích cực bồi dưỡng, giác ngộ quần chúng ưu tú tham gia các phong trào yêu nước để rèn luyện, thử thách. Từ năm 1930 - 1935, Chi bộ đã bồi dưỡng, kết nạp trên 70 đảng viên, thành lập Chi bộ xã Phúc Tăng (Hòa An) tháng 6/1930, Chi bộ Mỏ Thiếc Tĩnh Túc tháng 10/1930. Sau đó, các chi bộ: xã Xuân Phách (Hòa An), xã Sóc Hà (Hà Quảng), xã Chí Thảo (Quảng Uyên), xã Vân Trình (Thạch An), xã Minh Tâm (Nguyên Bình)... được thành lập.

Tháng 7/1933, Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nọn (Hoàng Như) làm Bí thư. Mọi hoạt động của Đảng đều dựa trên nguyên tắc bí mật. Do đó, các cơ sở đảng được giữ vững, củng cố và phát triển.

Từ khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh thành lập, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của những người con ưu tú: Hoàng Đình Giong, Bí thư Chi bộ Hải ngoại Long Châu; Hoàng Văn Nọn, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng bộ tỉnh thời kỳ đầu đã đưa phong trào cách mạng Cao Bằng tiếp tục phát triển mạnh, đúng hướng chiến lược của Trung ương Đảng. Đảng bộ tỉnh tổ chức phát động quần chúng đấu tranh cách mạng đúng hướng từ thấp đến cao; đề ra chủ trương, biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương và các dân tộc thiểu số.

Cuối năm 1934, đồng chí Hoàng Văn Nọn, Bí thư Tỉnh ủy được Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ định làm đại biểu chính thức cùng đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai sang thủ đô Mát-xcơ-va (Liên Xô) dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (từ ngày 1/7 - 20/8/1935). Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nọn đọc báo cáo tham luận về vận động các dân tộc ít người ở Đông Dương tham gia cách mạng.

Đồng chí Hoàng Văn Nọn được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử ở lại Liên Xô. Người trực tiếp dạy tiếng Nga, giới thiệu đến học lý luận Mác - Lê-nin ở Trường Đại học Phương Đông năm 1935 - 1937 và trở thành người học trò xuất sắc của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc (tháng 3/1935), được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khóa I, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG VỮNG MẠNH, ĐÓN LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỀ NƯỚC

Dưới ánh sáng nghị quyết của Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Đại hội Đảng lần thứ I năm 1935 và chủ trương của Trung ương Đảng, từ năm 1936 - 1941, đồng chí Lê Mới (Nam Cao), Lê Tòng, Hoàng Đức Thạc làm Bí thư Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ vận dụng nhạy bén, sáng tạo đường lối, chiến lược cách mạng của Đảng. Tập hợp quần chúng nhân dân các dân tộc dưới Mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh đòi quyền lợi, tự do dân chủ và cải thiện đời sống. Đấu tranh với thực dân Pháp và tay sai bằng các hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp.

Vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Đại hội Đông Dương” và dự thảo bản “Dân nguyện” đòi thực hiện cải cách dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân. Các cuộc biểu tình, mít tinh đều có sự chỉ đạo của châu ủy, Tỉnh ủy tổ chức thu hút hàng nghìn lượt quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng cao đến vùng thấp, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… tham gia.

Đảng bộ tỉnh tổ chức nhiều đại lý bán sách, báo tiến bộ ở khu vực đông dân, điểm giao thông tại các huyện, Thị xã, như báo “Đời nay”, “Tiếng vang”, “Tin tức” và  xuất bản tờ báo “Lao động”, “Chuông giải phóng”… Các tờ báo vạch rõ những thủ đoạn áp bức, bóc lột rất thâm độc của bọn đế quốc, phong kiến, nêu bật những nguyện vọng chính đáng của các dân tộc Đông Dương nhằm giác ngộ, thu hút nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đẩy mạnh phong trào xây dựng các hội tương tế “Hội bản”, “Hội làng”, “Phe giáp”; phong trào thể thao, học võ, lớp nghiệp vụ văn hóa… chống tệ nạn xã hội cũ; phong trào học văn hóa tại các chòm xóm, bản, làng với phương châm người biết dạy người chưa biết. Qua các phong trào, tinh thần giác ngộ quần chúng ngày càng nâng cao hơn, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... đã tham gia đấu tranh đòi giảm thuế, chống bắt phu.

Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Nhật nhảy vào Đông Dương. Trước diễn biến mới của thế giới và phong trào cách mạng trong nước, tháng 11/1940, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương 7, xác định kẻ thù chính của nhân dân là Nhật, Pháp và bè lũ tay sai của chúng; đề ra nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân Đông Dương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm (Trung Quốc) chỉ thị cho tất cả cán bộ của Đảng ta đang hoạt động ở nước ngoài nhanh chóng trở về nước gấp rút chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giành chính quyền.

Đã có 40 cán bộ, đảng viên người Cao Bằng đang hoạt động ở Tịnh Tây, Người cử cán bộ bắt liên lạc, tìm hiểu phong trào cách mạng ở Cao Bằng để lên kế hoạch về nước. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Đầu tháng 1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng cán bộ Trung ương và 40 cán bộ Cao Bằng bắt đầu rời Tịnh Tây về nước. Trên đường về nước, Người mở lớp huấn luyện cán bộ về cách thức tổ chức các hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để về nước triển khai thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Từ đường lối sáng suốt của Đảng, sự lãnh chỉ đạo tài tình của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân đã xây dựng căn cứ Cao Bằng phát triển vững mạnh, chuẩn bị các điều kiện để vận động toàn thể nhân dân tiến lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ đế quốc thực dân phong kiến, giành độc lập, tự do cho nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
  

Nguồn tin: Báo điện tử Cao Bằng - http://baocaobang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay34
  • Tháng hiện tại1,520
  • Tổng lượt truy cập446,558
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây