Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Phục Hòa

Thứ sáu - 27/03/2020 11:19
Chủ trương xây dựng, mở rộng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng cách mạng của Tỉnh ủy được liên châu ủy Quảng Uyên - Phục Hòa quán triệt sâu sắc. Chính vì vậy, từ ngày mới thành lập, Chi bộ Cốc Coóc (tại xã Chí Thảo, Quảng Uyên) đã phân công đảng viên về cơ sở để tuyên truyền, vận động đẩy mạnh phong trào cách mạng.
Huyện Phục Hòa ngày càng phát triển.
Huyện Phục Hòa ngày càng phát triển.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, một số cán bộ cốt cán của tỉnh được cử vào miền Đông giúp chỉ đạo phong trào cách mạng, như các đồng chí Hoàng Đức Thạc (Lã), Dương Công Hoạt (Cao Cường)... Do đó, cơ sở cách mạng và cơ sở Đảng không ngừng được mở rộng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sau một năm, từ Cốc Coóc, liên châu ủy đã xây dựng cơ sở Nà Seo, xã Phục Hòa, châu Phục Hòa (nay thuộc thị trấn Hòa Thuận). Sau đó, công tác tuyên truyền tổ chức Đảng được đẩy mạnh, gây ảnh hưởng ở khu vực thị trấn Quảng Uyên, Nà Suối, xã Gia Tuế (nay thuộc xã Hồng Đại, Phục Hòa)...

Do vị trí địa lý của Phục Hòa là châu biên giới, điều kiện đi lại thuận lợi nên Phục Hòa trở thành đầu mối liên lạc quan trọng cho các chiến sĩ cách mạng tiền bối giữa Việt Nam với quốc tế. Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập trụ sở tại Long Châu (Trung Quốc). Long Châu trở thành đầu mối liên lạc giữa Cao Bằng với bộ phận lãnh đạo Hội ở hải ngoại, chuyển sách báo, tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Hội vào Cao Bằng.

Trước yêu cầu đòi hỏi của phong trào cách mạng, đồng thời để tránh sự theo dõi lùng bắt của địch, từ năm 1928 - 1930 và cả những năm sau, Cao Bằng tổ chức 3 tuyến đường dây liên lạc bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) đều qua Tà Lùng, đó là: Từ Hòa An, Thị xã xuôi theo sông Bằng xuống Phục Hòa qua Thủy Khẩu rồi ra Long Châu; từ Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An), sang Ngọc Động (Quảng Uyên) xuống Nà Seo (Phục Hòa) rồi sang Thủy Khẩu đi Long Châu; một nhánh khác từ xã Trưng Vương vượt đèo Mã Phục vào Cốc Coóc, xuống xã Gia Tuế đi xã Phất Mê (Phục Hòa) rồi sang Long Châu. Công tác giao thông liên lạc với hải ngoại, đưa đón cán bộ, vận chuyển sách, báo, tài liệu qua Phục Hòa được nhân dân các dân tộc giúp đỡ, bảo vệ bí mật, an toàn.

Tại châu Phục Hòa, nhiều tờ báo tiến bộ được phổ biến, nhiều cán bộ, quần chúng tích cực đến đại lý đặt mua báo để nắm vững tình hình và chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm đấu tranh ở các địa phương khác. Các đại lý bán sách, báo trở thành đầu mối liên lạc giữa các cơ sở đảng, trở thành những trạm chuyển giao các tài liệu bí mật, Chỉ thị của Tỉnh ủy đến các cơ sở Đảng kịp thời, tổ chức chỉ đạo quần chúng đấu tranh.

Từ những hoạt động đó, phong trào cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng, đến năm 1938, tại xóm Bản Chu, xã Sơn Nông (nay thuộc xã Đại Sơn) thuộc vùng biên giới châu Phục Hòa đã xuất hiện một tổ chức cách mạng bí mật gồm các thanh niên dân tộc Nùng do Đàm Văn Dìn thành lập (trước đó Đàm Văn Dìn đã tham gia hoạt động cách mạng ở vùng Hòa An). Tổ chức lúc đầu chỉ có 3 người, về sau kết nạp thêm 9 người thành tổ chức gồm 12 người do Đàm Văn Dìn làm Tổ trưởng, các thành viên cùng tổ chức chích máu ăn thề: "Chúng ta cùng hoạt động cách mạng, thề tuyệt đối giữ bí mật, nếu không may bị địch bắt không được khai báo đồng chí của mình...".

Hoạt động của tổ chức là vận động quần chúng tập luyện võ nghệ, xây dựng đội vũ trang bảo vệ bản làng; góp thóc, trồng đỗ tương tập thể, đi cắt tóc lấy tiền gây quỹ mua vũ khí cho cách mạng ở Hòa An, giúp đỡ một số đồng chí đi mua súng tại La Hồi (Trung Quốc) rồi bí mật chuyển ra Hòa An.

Năm 1942, tổ chức cách mạng Nà Seo hoạt động từ thời kỳ 1931 - 1935, được đồng chí Kinh Chi (Quốc Phong, Long Văn Nàng) cùng với ông Lương Văn Riêm tổ chức chích máu ăn thề vào Hội Cứu quốc. Tổ chức này hoạt động trở lại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Kinh Chi, tiếp tục làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa sách, báo, tài liệu, đưa đón cán bộ từ Hòa An đến Nà Seo rồi qua Thủy Khẩu (Trung Quốc) và ngược lại bí mật, an toàn.

Năm 1943, phong trào cách mạng ở Hòa An bị khủng bố, một số cán bộ chuyển vào vùng Cách Linh (Phục Hòa) hoạt động như ông Đoàn Thanh (bố của đồng chí Hồng Kỳ), sau đó đồng chí Bùi (tức Tú, Bùi Bảo Vân) vào tuyên truyền Việt Minh nên phong trào Việt Minh ở Phục Hòa lan rộng. Vào thời gian địch khủng bố ác liệt, Tỉnh ủy tổ chức một đường dây liên lạc đặc biệt từ tỉnh đến Hà Trì (Hòa An) xuống Phục Hòa, sang Thủy Khẩu (Trung Quốc) do đồng chí Việt Hoàn và Nhung Hương phụ trách, đưa đón các đồng chí: Háng (Bằng Giang), Hoàng Sâm, Bùi Bảo Vân... đi lại theo đường dây này sang Thủy Khẩu (Trung Quốc) an toàn.

Được sự chỉ đạo của Chi bộ Cốc Coóc và đồng chí Dương Công Hoạt, đầu năm 1943, cơ sở Việt Minh ở Pò Đoỏng, xã Ngọc Động được thành lập, sau đó phát triển sang Nà Suối, xã Gia Tuế (nay thuộc xã Hồng Đại), đầu tháng 4/1944 xây dựng được hai tổ Việt Minh, đến cuối năm thì các xóm của Gia Tuế đều thành lập được Hội Việt Minh…, từ đó phong trào Việt Minh càng phát triển mạnh. Đến tháng 2/1945, Tỉnh ủy tiếp tục cử cán bộ tăng cường cho Phục Hòa, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh và lan sang các xã Vi Vọng (nay thuộc xã Triệu Ẩu), Cai Bộ, Cô Ngân (nay thuộc huyện Hạ Lang)… thành một vùng rộng lớn.

Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, các xã Gia Tuế, Vi Vọng, Cai Bộ, Cô Ngân được hợp nhất thành một tổng gọi là tổng Hồng Đại, Ban Việt Minh tổng được thành lập gồm 4 người: Bế Trung Lương, Bế Văn Hồng (Bế Trung Ngọc), Đình Mỹ (Lương Văn Chắn), Minh, do đồng chí Bế Trung Lương phụ trách với nhiệm vụ phát triển hội viên, phát triển phong trào Việt Minh, phát triển lực lượng tự vệ để lập đội vũ trang tuyên truyền chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Trước yêu cầu đòi hỏi của phong trào cách mạng, đồng thời những điều kiện để thành lập tổ chức Đảng đã chín muồi, ngày 10/3/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở châu Phục Hòa được thành lập tại hang Bó Đeng, thuộc xã Gia Tuế (nay là xã Hồng Đại) gồm 10 đảng viên, do đồng chí Bế Văn Hồng (Bế Trung Ngọc) làm Bí thư, đồng chí Lương Văn Chắn (Đình Mỹ) làm Phó Bí thư, đảng viên gồm có: Nông Văn Mà (An Vinh), Hoàng Văn Quay (Hồng Đại)..., đa phần là người ở xã Gia Tuế, có một số ở xã Vi Vọng. Từ khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Liên châu ủy, Chi bộ Đảng ở Phục Hòa trực tiếp chỉ đạo phong trào Việt Minh ở địa phương ngày càng phát triển.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay11
  • Tháng hiện tại1,192
  • Tổng lượt truy cập446,230
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây