Quê hương - Mạch nguồn và động lực sáng tạo của Hoàng Triều Ân

Thứ hai - 01/06/2020 05:27
Nhà ông Hoàng Triều Ân ở xóm Lam Sơn Thượng, bên dãy núi Phượng Hoàng, lần nào lên với ông tôi hay lần theo con đường cũ từ Khau Đồn xuyên qua Lam Sơn hạ, Hào Lịch, Bó Lếch, Pác Phiêng, Nặm Lìn, lên Bản Nưa… để trải nghiệm và lý giải thế địa linh nhân kiệt của vùng đất đã khai sinh ra Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh.

Ngày 1/4/1930, cách đây 90 năm, cách mạng chọn đây làm điểm tựa, sản sinh và nuôi dưỡng những tài năng, với bao thế hệ là Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh quân đội, nhân sĩ, trí thức, giáo sư, tiến sĩ. Mạch nguồn Nặm Lìn mãi còn vang âm vang cùng sông núi…

Xóm Lam Sơn thượng, xã Hồng Việt (Hòa An). Ảnh: Thế Vĩnh

Tôi biết ông vì say nghề rồi mê kho tàng kiến thức của ông, thời còn trẻ, ông tổ chức cả đoàn các cụ cao tuổi đưa chúng tôi đi khảo sát vòng quanh hang Ngườm Bốc (di tích người Tày cổ), Lũng Hoàng (thành Nhà Mạc), hang Bó Tháy, Bó Hoài (nơi in báo Việt Nam độc lập), ngườm Lũng Sa, hang Lê-nin, Lũng Dẻ, Lũng Tàn bên Minh Tâm (Nguyên Bình), những nơi Bác Hồ từng ở và làm việc…

Ông nói: Toàn bộ khu vực này mới tạo nên thế đất Lam Sơn hùng vĩ, thành trung tâm chỉ huy kháng chiến của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và Mặt trận Việt Minh. Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn  Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt… đã tiến thẳng về xuôi làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hào khí Lam Sơn từ thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi trải qua mấy trăm năm lại phát tích ở Cao Bằng mà làm nên nghiệp lớn.

… Mà Tùng Trang này, cậu nên làm thơ, viết văn đi. Ôi em làm thế nào được. Tôi đã đọc những bài thơ của cậu từ năm 1979 - 1980 rất có ý tưởng, còn phong cách làm  báo của cậu có chất văn. Văn chương chữ nghĩa làm cho đầu óc mở mang trí tuệ và tầm nhìn sáng tạo; cứ mạnh dạn lên, con người ta ngoài học hành còn phải biết tận dụng phát  huy năng khiếu… Giọng ông cứ thủ thỉ tâm tình để động viên, khích lệ nhưng tôi hiểu ông là người có tâm, biết tìm tòi, phát hiện, bồi dưỡng lớp trẻ bằng trải nghiệm thực tế của chính mình.     

Sinh ra trong một gia đình hiếu học và giàu lòng yêu nước, ông nội là Hoàng Đức Mỹ, từng được triều đình ban tước hiệu là Hàn lâm Viện biên tu, cụ thân sinh Hoàng Đức Triều (An Định) là đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1932 (Huyện ủy viên Huyện ủy Thạch Lâm năm 1936 - 1937). Môi trường gia đình đã giúp Hoàng Triều Ân tham gia Đội Thiếu niên Cứu quốc từ năm 1943 khi ông mới 12 tuổi. Cách mạng thành công, ông được cử sang Trung Quốc học. Vốn liếng Pháp ngữ, Hán Nôm thuở nhỏ được dịp mở mang, trau dồi; phông văn hóa của gia đình, truyền thống quê hương, tư chất thông minh và đức tính hiếu học đã tạo thành nguồn cảm hứng, động lực để ông dấn thân trăn trở, miệt mài  sáng tạo trong suốt cuộc đời cầm bút.

Ngay từ những năm là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tập thơ đầu tiên “Tung còn và Suối đàn” với tiếng reo vui trong trẻo đầy cảm xúc về cuộc sống mới trên quê hương miền núi, góp cho thi đàn một chất giọng mới lạ, thu hút văn đàn, thi sĩ: “Quê anh biết chăng/Một mùa trăng lại một mùa trăng/Hết tròn lại khuyết lại tròn khuyết/Vẫn bóng cây đa vẫn chị Hằng/Mười lăm năm đó bao thay đổi/Đã ăn no bao mùa lúa mới… Ai bảo nông dân không biết máy/Ai ngồi lái đó lại mà xem...” đạt giải nhì cuộc thi thơ năm 1961 của Tạp chí Văn nghệ, giải nhì Báo Người giáo viên nhân dân (năm 1961) và Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc (năm 1961 - 1962).

Với những giải thưởng liên tiếp, năm 1963 ông hội đủ hành trang trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thời bấy giờ vào Hội là các nhà đài, danh giá lắm, chiếu văn chương coi như một Viện Hàn lâm bởi toàn  người nổi tiếng, dày dạn bút lực như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nông Quốc Chấn… Những tên tuổi có công khai sáng nền văn học nước nhà.

Từ tập thơ đầu tiên “Tung còn và suối đàn” đến tập thơ cuối cùng “Một lần thăm Trung Quốc”, thơ ông luôn thấm đẫm tình người, lắng đọng nhân văn và am hiểu sâu sắc về văn hóa các dân tộc. Hãy nghe ông cảm tác về di tích của Đỗ Phủ: “Mười bốn thế kỷ lều vẫn cỏ/Muốn như người cũ quen đường về...”, hay Lý Bạch (đều là danh nhân của Trung Quốc) “Kìa thành Bạch Đế xa trông/Hơn ngàn năm đó mây hồng còn xa…”.

Trong 10 tác phẩm văn xuôi gồm truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, truyện ngắn “Bên bờ suối tiên” đã đạt giải nhì Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Dù ở thể loại nào thì ý thức về quê hương, bản sắc văn hóa, phong cách ngôn ngữ dân tộc và tính hiện thực lãng mạn luôn được ông chú trọng khai thác, thể hiện một cách sinh động, độc đáo; ngay từ cách đặt tên tác phẩm như: Tiếng hát rừng xa, Tiếng khèn A Pá, Đường qua đèo Mây, Nắng vàng bản Dao, Nơi ấy biên thùy… đã đủ thấy chất liệu hình ảnh, âm thanh, không gian, âm hưởng và phong cách của dân tộc miền núi.

Ông bảo: Người đồng mình, viết về đồng mình nên chân chất, mộc mạc, đằm thắm trong dòng chảy hội nhập với xu thế của văn học hiện đại nhưng vẫn đủ đặt ra những điều mới mẻ, suy tư: “Con trước sau vẫn phải về Thị xã. Thời bình rồi ai còn nghĩ đến nông thôn, miền núi”. Phải chăng đó là suy nghĩ rất thật của con người trước sự biến đổi của thời cuộc. Tôi nhớ một nhà thơ nổi tiếng đã từng viết: “Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá/Cha e con đến lớp chậm giờ… Thời ta sống  có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi”.

Vùng núi Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An).

Lần nào lên nhà cũng thấy ông cặm cụi bên đèn sách, cùng chiếc máy chữ kỳ cạch, cái cat-xet ghi âm, cái kính lúp soi tài liệu… Một công việc tỉ mỉ, cẩn trọng, say sưa đến đắm mình. Có lẽ điều ông trăn trở nhất, dành nhiều thời gian nhất và cũng để lại những tác phẩm vô giá nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc. Hơn 40 tác phẩm để lại của ông có đến hơn nửa là công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Tôi nói là công trình bởi mỗi tác phẩm thuộc thể loại này đều được ông dày công thai nghén bằng cả cuộc đời, mà theo ông nếu không làm sớm sẽ không làm kịp và không bao giờ làm lại được, chẳng hạn như tập “Hồi ký Bác Hồ” về nước (năm 1994). Nếu bây giờ mới làm thì những nhân chứng lịch sử còn đâu? Còn tiếng nói, chữ viết của người Tày - Nùng có từ bao đời nhưng đang có nguy cơ mai một, nếu không nghiên cứu, sưu tầm để lại thì mất hết…  

Nghiên cứu, sưu tầm của ông khá đa dạng nhưng tập trung nhất là văn học Tày - Nùng, từ dạng đơn tuyến như: “Thơ Hoàng Đức Hậu” tôi dám chắc rằng bây giờ nhiều người biết thơ, đọc thơ “Slấy Hậu” là qua cuốn sách của Hoàng Triều Ân xuất bản năm 1974; đến phạm vi rộng như “Thơ ca cách mạng ở Việt Bắc” phong phú, đa dạng và rất giá trị; rồi “Ca dao Tày Nùng”, “Then Tày - những khúc hát”, “Chữ Nôm Tày và truyện thơ”, “Từ điển chữ Nôm Tày”…

Với hàng ngàn, hàng vạn trang viết tỉ mỉ, tinh hoa trí tuệ và đầy trách nhiệm. Không thể kể hết nên chỉ muốn nói gọn lại là đồ sộ, kinh điển và rất đáng kính nể, trong đó có nhiều tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. (Thân thế và sự nghiệp của ông đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác).  

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học trong bài viết “Triều Ân - Nhà văn hóa dân tộc Tày” từng gọi ông là “Một nhà bác học say mê. Ông xứng đáng là nhà văn hóa, người đại diện có thẩm quyền cho văn hóa dân tộc Tày”. Tại hội thảo khoa học về nhà văn Hoàng Triều Ân tổ chức năm 2007, nhà văn Mã A Lềnh nói: “Nhà văn Triều Ân xum xuê như đại thụ giữa ngàn xanh”.

Ông Lưu Xuân Lý, nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc nhận xét: Văn chương của Triều Ân luôn mang hồn bóng quê hương và đậm đà màu sắc dân tộc. Ông đi bằng hai chân, vừa sáng tác vừa nghiên cứu với ước vọng giới thiệu cho nhiều người biết về văn hóa dân tộc mình, đây là một di sản vô giá...

Ông Hoàng Triêu Ân nhận định: Chữ Nôm Tày xuất hiện từ thế kỷ thứ V, đến thế kỷ XVII đã được sử dụng thuần thục để sáng tác tác phẩm văn thơ Tày, tất cả đều được tôi nghiên cứu, tổng hợp và giới thiệu một cách có hệ thống trong cuốn “Then Tày - những khúc hát”, “Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại”, “Chữ Nôm Tày và truyện thơ”…

Đặc biệt là “Từ điển chữ Nôm Tày” của ông được ghi nhận và đánh giá cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho rằng: Đại công trình từ điển chữ Nôm Tày của Hoàng Triều Ân là cấp thiết và rất đáng trân trọng, rất đáng khâm phục. Con người ta chết rồi tiếng thơm vẫn còn nhưng trí tuệ và văn hóa có thể hết nếu không để lại bằng văn tự…

Ở tuổi gần 90 ông ra đi thanh thản về cõi vĩnh hằng, trong một ngày tháng 10/2019, tiết trời cuối thu, đầu đông se se giá lạnh, núi rừng Lam Sơn đang độ đến mùa thay lá. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời nhưng chúng tôi ai cũng bàng hoàng nỗi lòng thương tiếc một người tâm huyết, luôn lấy quê hương, dân tộc làm mạch nguồn động lực sáng tạo, góp phần để lại cho đời một di sản quý giá. Nhờ có ông mà truyền thống Lam Sơn, mạch nguồn Nặm Lìn được nhiều người biết đến, trân trọng và phát huy. Ông thực sự là nhà văn hóa “Một ngôi sao lớn sáng nhân duyên”.  

Nguồn tin: Báo điện tử Cao Bằng - http://baocaobang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay136
  • Tháng hiện tại3,192
  • Tổng lượt truy cập444,682
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây