Bác Hồ về Pác Bó (28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng |
Đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn khao khát sớm trở về Tổ quốc. Sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 6/1940, theo Người là “thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Trước diễn biến của tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó vừa về đến Quế Lâm (Trung Quốc) đã chỉ thị cho tất cả cán bộ của Đảng ta đang hoạt động ở nước ngoài nhanh chóng trở về nước gấp rút chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giành chính quyền.
Ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ về nước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, địa phận xã Trường Hà (Hà Quảng). Đồng bào Pác Bó - Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chọn Pác Bó là nơi “đứng chân” khi trở về để đặt “đại bản doanh” và chọn tỉnh Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước với sự quả quyết: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”.
Quãng thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động tại Cao Bằng tuy không dài, nhưng nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với tên tuổi của Người và lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: "Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.
Pác Bó, Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ Việt Bắc, chiếc nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp đào tạo cán bộ Việt Minh cho Cao Bằng và các nơi khác, trực tiếp chỉ đạo xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc tại 3 châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng, phát triển Mặt trận Việt Minh ra cả nước. Sau 3 tháng làm thí điểm, số hội viên trong các tổ chức cứu quốc ở 3 châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình lên tới hơn 2.000 người thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông đủ các thành phần, lứa tuổi (phụ lão, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên).
Trên mảnh đất Cao Bằng lịch sử, Người trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước; chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (tháng 5/1941) hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam; thành lập Mặt trận Việt Minh; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng và đều lấy tên là các Hội cứu quốc; quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác… Sự chuyển hướng đó tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng và có tính quyết định thắng lợi đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định xuất bản Báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo của Tỉnh bộ Việt Minh; bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang tập trung; chỉ đạo xây dựng quan hệ quốc tế… và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vào ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chỉ sau hai ngày thành lập, Đội ra quân diệt gọn 2 đồn địch; chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lịch sử Việt Nam đã viết nên những trang đẹp nhất trong thế kỷ XX dẫn đường, chỉ lối, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngọn lửa cách mạng mà Người dày công nhóm lên từ hang sâu Pác Bó hơn 4 năm về trước nay bùng cháy lên thành “bão lửa”, bão táp cách mạng thiêu cháy tất cả “bè lũ bán nước và cướp nước”.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Người tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" (trích Tuyên ngôn độc lập).
Nhân dân Việt Nam giành được độc lập chưa lâu thì thù trong giặc ngoài câu kết với nhau đẩy nước ta lâm vào cảnh "nghìn cân treo sợi tóc". Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai. Đường lối kháng chiến đúng đắn của Bác, của Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hòa bình lập lại nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không sống được đến ngày lịch sử của dân tộc mình - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng Người luôn luôn tin chắc rằng ngày đó sẽ đến. Người đã kết thúc bản Di chúc bằng những lời thiêng liêng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Những lời đó của Người trở thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của toàn quân và dân ta. Ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam kết thúc thắng lợi. Cách mạng giải phóng dân tộc đã thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn trên khắp đất nước.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài nhất, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội… Tất cả những dấu son lịch sử huy hoàng đó đều bắt đầu từ mốc mùa xuân năm 1941 Bác về. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Pác Bó và Dinh Độc Lập đều được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nguồn tin: Báo điện tử Cao Bằng - http://baocaobang.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn