Những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII

Thứ tư - 28/10/2020 10:54
Phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc cùng với quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành, 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã định hướng đúng chiến lược để huy động mọi nguồn lực tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt, tập trung vào 3 đột phá nhằm phát huy 5 lợi thế, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt khá. Đây là tiền đề quan trọng để nhân dân các dân tộc tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào nhiệm kỳ Đại hội mới - Đại hội của “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Các đại biểu biểu quyết số lượng Ủy viên Ban Chấp hành khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các đại biểu biểu quyết số lượng Ủy viên Ban Chấp hành khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

KINH TẾ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH, TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG ĐẠT KHÁ

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã định hướng đúng chiến lược để huy động mọi nguồn lực tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt, tập trung vào 3 đột phá nhằm phát huy 5 lợi thế của tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện, đến nay, đa số các chỉ tiêu về kinh tế đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch, nền kinh tế phát triển ổn định, tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân trên 7,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm. Doanh thu du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 192% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân tăng 2,6%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 274 nghìn tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh đã thu hút được 43 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.259 tỷ đồng; huy động được gần 7.800 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả có 25 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 17 triệu đồng/năm; có 15.506 hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.

Hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Giai đoạn 2016 - 2020 có 17 dự án đầu tư hạ tầng cửa khẩu được triển khai với tổng vốn đầu tư 1.090 tỷ đồng; thực hiện 8 dự án bố trí dân cư biên giới cho 68 hộ với tổng số vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đã thu hút được 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 14.000 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt 10,2 tỷ USD. Thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu và phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu đạt trên 2.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng khá; hệ thống thương mại được mở rộng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh huy động được trên 7.500 tỷ đồng xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn cho Thành phố. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 9.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng trên 10%/năm. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 4 bậc so với năm 2015…

Vui mừng trước những đổi thay lớn lao trên quê hương cội nguồn cách mạng, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Sau 5 năm, Cao Bằng đã có diện mạo đô thị mới mang đậm bản sắc đô thị miền núi; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên; nền kinh tế của tỉnh liên tục phát triển, năm sau cao hơn năm trước…

Đây minh chứng cho sự thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như sự quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các chương trình trọng tâm, trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện 3 đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu theo hướng liên kết vùng, liên kết khu vực…, xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững.

ỔN ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ VẬN HÀNH TỐT BỘ MÁY SAU SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Là tỉnh đi đầu, quyết tâm, quyết liệt trong việc sắp xếp đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trên địa bàn theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến hết tháng 3/2020, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính và bắt tay ngay vào ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, vai trò MTTQ và các đoàn thể.

Sau sáp nhập, toàn tỉnh còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 3 huyện); 161 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 38 xã); 1.462 xóm, tổ dân phố (giảm 1.025 xóm). Đồng chí Nông Thị Hà, Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa chia sẻ: Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện là chủ trương đúng, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như: giảm tổ chức bộ máy, cán bộ; giảm các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, giảm chi ngân sách.

Sau sáp nhập, huyện giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 181 đơn vị cấp xóm, giảm 47 đầu mối tổ chức đảng trực thuộc Huyện ủy, giảm 224 chi bộ chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, giảm 14 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc huyện. Về biên chế, cán bộ, lãnh đạo quản lý giảm 18 vị trí (bao gồm lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và lãnh đạo cấp phòng); cấp xã giảm 36 người; số người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm 198 người, cấp xóm giảm 2.512 người. Kinh phí chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã giảm 2,478 tỷ đồng/năm, cấp xóm giảm 8,983 tỷ đồng/năm.

Theo Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa Nông Thị Hà, về lâu dài, việc giảm đầu mối đơn vị hành chính sẽ giảm chi ngân sách cho việc đầu tư, xây dựng trụ trở làm việc và các trang thiết bị phục vụ cho bộ máy, dành ngân sách để tập trung đầu tư các công trình quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, huyện được mở rộng về diện tích, có cơ hội thu hút đầu tư các dự án lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời tạo cơ hội cho địa phương hội tụ được thêm nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu và giúp cho bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cùng với Quảng Hòa, sau sáp nhập đơn vị hành chính, huyện Hà Quảng còn 21 xã, thị trấn; 195 xóm, tổ dân phố, giảm 171 xóm, tổ dân phố và 9 xã; số người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố từ 6.359 người giảm xuống còn 1.088 người. Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết: Sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn, huyện Hà Quảng bắt tay ngay vào thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến hết năm 2025 huyện cơ bản thoát khỏi huyện nghèo và mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 4% trở lên. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi mũi nhọn; Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương theo hướng hàng hóa…

ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng như cụ thể hóa chương trình trọng tâm về phát triển du lịch của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xây dựng chương trình trọng tâm về phát triển du lịch. Đồng chí Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh chia sẻ: Với quyết tâm chính trị cao, ngay sau khi ban hành Chương trình, Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo để trực tiếp tham mưu cho huyện chỉ đạo, triển khai Chương trình. HĐND huyện xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực chấp hành nghiêm quy hoạch, xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng một số dự án phục vụ cho phát triển du lịch như: Dự án Làng văn hóa người Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc; Dự án chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 206 vào khu vực động Ngườm Ngao.

Thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai xây dựng các hạng mục: Trạm kiểm soát, đường đấu nối tại khu vực mốc 834/1 để thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào tham quan tại Khu du lịch thác Bản Giốc… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến huyện tăng qua các năm, năm 2020 ước đạt 400.000 lượt khách. Hiện Trùng Khánh đã trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật của tỉnh, trong giai đoạn 2015 - 2020, Thành ủy Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng thành phố Cao Bằng ngày càng phát triển, tương xứng với vị thế đô thị trung tâm của một tỉnh miền núi.

Đồng chí Lương Tuấn Hùng, Bí thư Thành ủy khẳng định: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nền kinh tế của Thành phố phát triển đúng hướng và có mức tăng trưởng cao; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch tích cực theo đặc trưng kinh tế đô thị, đó là tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống ở mức 3,86%.

Tốc độ tăng trưởng bình quân các ngành kinh tế (GRDP) đạt 10,2%/năm, đạt nhịp độ tăng trưởng cao nhất toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn gần 6.000 tỷ đồng. Thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt gần 1.900 tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, tạo nguồn lực lớn cho tỉnh đầu tư các dự án trọng điểm và hỗ trợ các huyện phát triển kinh tế - xã hội. Các loại hình thương mại - dịch vụ phát triển nhanh.

Nhiều dự án, công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại III, một số tiêu chí đã đạt yêu cầu của đô thị loại II. Hoàn thành việc nâng cấp 4 chợ phường xã; đưa Phố đi bộ Kim Đồng và chợ âm thực Thành phố vào hoạt động hiệu quả, tạo đột phá quan trọng phát triển dịch vụ phục vụ du lịch…

Với những dấu ấn đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng và kỳ vọng vào nhiệm kỳ Đại hội mới - Đại hội của “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ là một dấu mốc mới để xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, là “phên dậu” vững chắc phía Đông Bắc của Tổ quốc.  

Nguồn tin: Báo điện tử Cao Bằng - http://baocaobang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Loading the player...
Loading the player...
ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay366
  • Tháng hiện tại2,051
  • Tổng lượt truy cập1,102,289
dangbocaobang1CHOT
Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên
của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930 - 01/4/2020)

Email: 90namdangbo@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206(3) 855 012
Địa chỉ: Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây